Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2017

Những bí kíp chuẩn không cần chỉnh để thích nghi với cuộc sống ở Sài Gòn

Sài Gòn là miền đất của người tứ xứ, chính vì thế không phải ai cũng biết những điều dễ thương để thích nghi cho phù hợp với lối sống của thành phố hiện đại này đâu!
Mỗi vùng miền đều có những văn hóa, nếp sống ăn sâu vào thói quen của người dân, hình thành nên tính cách và suy nghĩ của mỗi người. Và Sài Gòn cũng vậy, nổi tiếng về lối sống thoải mái, không câu nệ, tốt tính và chân thật. Những điều dưới đây là điển hình cho nếp sống ở Sài Gòn mà bất cứ ai cũng cần có.
1. Thay đổi cách xưng hô
Khi gặp một người lạ mà bạn chưa chắc chắn về tuổi tác của họ, nên gọi bằng "anh" hoặc "chị". Nếu đối phương cũng xưng lại với bạn bằng "anh", "chị", đó là phép lịch sự trong cach xưng hô kiểu miền Nam. Tuyệt đối không nên xưng "ông mày", "bà mày" với bất cứ ai, vì kiểu xưng hô đó khiến bạn trở nên "độc tôn", hách dịch, không gây được thiện cảm với người miền Nam.
2. "Cảm ơn" hay "xin lỗi" là điều tất yếu
Ở bất cứ đâu cũng vậy, không riêng gì ở Sài Gòn, thói quen nói lời cảm ơn khi cần và xin lỗi đúng lúc là điều đáng được trân trọng. Đây là thói quen tốt hình thành nên tính cách lịch sự của con người, chính vì thế bạn nên tập cảm ơn và xin lỗi theo phản xạ, điều đó không làm cho vị thế hay cái "tôi" của bạn thấp xuống, nó chỉ giúp bạn lịch sự và văn minh hơn thôi!
3. Nghề nghiệp nào cũng đáng được trân trọng
Ở Sài Gòn, mọi người không phân biệt nghề nghiệp. Dù bạn làm bất cứ ngành nghề nào, giám đốc hay công nhân dọn vệ sinh cũng đều bình đẳng như nhau. Người Sài Gòn quan niệm rằng, bất cứ ai cũng đáng được trân trọng như chính nghề nghiệp của họ, và tiền đều được làm từ "mồ hôi nước mắt" nên thật đáng kính, chỉ có những ngành nghề vi phạm pháp luật thì thất đáng khinh! Nếu bạn khinh thường những nghề nghiệp thấp hèn, bạn sẽ khó tận hưởng được hết vẻ đẹp, tinh thần của người Sài Gòn.
4. Nhắc nhở những người xung quanh ngay cả khi đi đường
Đây có lẽ là điều đặc biệt nhất, dễ thương và làm nên thương hiệu riêng của người Sài Gòn. Con người nơi đây không ngại nhắc nhở người đi đường về những việc nguy hiểm khi tham gia giao thông. "Đá chống xe lên nhé!" hay "Quấn áo mưa kìa anh ơi!" là những câu nói rất đỗi quen thuộc và đáng yêu ở Sài Gòn. Dường như những điều này đã trở thành văn hóa của người Sài Gòn từ rất lâu rồi!
5. "Đi nhẹ, nói khẽ" ở những nơi công cộng
Người Sài Gòn vô cùng tế nhị ở những nơi công cộng, họ không thích nói oang oang hay cười ha hả gây sự chú ý. Bạn nên nói chuyện vừa đủ nghe vì việc "ăn to nói lớn" ở những nơi đông người sẽ không tạo được thiện cảm mà còn bị ném những ánh nhìn sắc lạnh nữa đấy. Không phải ai cũng có nhu cầu nghe về những câu chuyện của bạn đâu!
6. Chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông
Đừng bất ngờ tại sao người Sài Gòn đi cách 1 cây số nhưng vẫn đội nón bảo hiểm, hay giữa đêm không một bóng người vẫn dừng đèn đỏ. Thói quen chấp hành luật giao thông dường như đã "ăn sâu vào máu" của người dân nơi đây. Ở đây người chạy xe đầu trần bị coi như sinh vật lạ đấy!
7. Giúp đỡ người bị nạn

Người Sài Gòn không ngại giúp đỡ một người lạ ngoài đường. Khi đi đường, nếu gặp người té xe, bạn nên dừng xe và giúp đỡ người bị nạn. Chẳng phải giúp cho đời một chút sẽ khiến bạn thêm nhẹ nhàng vì đã làm được một điều tốt sao?
8. Tôn trọng người làm dịch vụ
Sài Gòn nổi tiếng vì những người làm nghề dịch vụ khá chu đáo và nhiệt tình, nhưng đừng nghĩ vì thế mà bạn được dịp lên mặt, bắt chẹt người phục vụ để chứng tỏ đắng cấp của bản thân hoặc bất cứ lý do nào khác. Bạn nên tôn trọng người làm dịch vụ, vì họ tôn trọng khách hàng thì mình cũng nên tôn trọng nhân viên.
9. Lịch sự khi hỏi đường
Người Sài Gòn vô cùng nhiệt tình mỗi khi bạn đi lạc đường và muốn hỏi sự giúp đỡ. Hãy lịch sự bằng cách cởi khẩu trang, dõng dạc và hỏi "có đầu có đuôi" sẽ gấy được ấn tượng với người dân ở đây. Bạn sẽ không nhận được bất cứ lời chỉ dẫn nào hoặc thậm chí bị ném cái nhìn "sắc lạnh" nếu như tỏ thái độ thiếu tôn trọng hoặc hỏi trống không đấy nhé!
10. Đối xử với nam giới cần để ý xưng hô

Nếu bạn là nam, cần chú ý hơn nữa cách xưng hô khi gặp người lạ. Nếu bạn gặp nam giới nhỏ tuổi hơn, gọi là “em” sẽ tạo được thiện cảm hơn kêu bằng “chú”, người Sài Gòn cảm thấy "dị ứng" với kiểu : “Anh nói cho chú mày biết nhé!”. Như thế chỉ càng làm cho bạn trở nên hống hách hơn thôi!
(Nguồn: thethaovanhoa.vn)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét